Home > Technology > Do đâu những gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản…? Phần 3 (END)

Do đâu những gã khổng lồ công nghệ Nhật Bản…? Phần 3 (END)

Những gã khổng lồ bắt đầu suy yếu.

da5f114ceb2725cb85ada7d222e07353.jpg

Vào những năm cuối thế kỷ 20, những người khổng lồ của Nhật như Sony, Panasonic, Nissan hay Honda vẫn đang làm mưa làm gió trên thế giới ở hầu hết các phân khúc sản phẩm mà họ tham gia sản xuất. Nhưng tại sao khi bước sang thế kỷ 21 chừng khoảng 3, 4 năm đầu thì xuất hiện tình trạng dậm chân trong kinh doanh, đến khi xuất hiện khủng hoảng tài chính năm 2008 thì gần như mọi hãng công nghiệp lớn hay nhỏ của Nhật lâm vào tình trạng thua lỗ liên tục? Nhất là các hãng điện tử có quy mô lớn, họ gần như không thể phát triển ra một công nghệ hay sản phẩm đột phá gì mà phải dựa vào các hãng phần mềm của Mỹ để sản xuất. Kinh doanh thì hầu hết bại dưới tay hai gã khổng lồ của nước láng giềng là Samsung và LG, ngay cả những cái tên lạ hoắc mới nổi của Trung Quốc hay Đài Loan cũng đang ngấp nghé thị phần của họ! Câu trả lời xin gói gọn trong ba nguyên nhân: nguy cơ tiềm ẩn khi Nhật bắt đầu đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài; thói quen dùng đồ điện tử của mọi người trên thế giới đã thay đổi; cuối cùng là nền kinh tế, chính trị và văn hóa của Nhật gây ảnh hưởng nặng, trực tiếp tới những gã khổng lồ này.

1. Nguy cơ tiềm ẩn khi Nhật bắt đầu đưa dây chuyền sản xuất ra nước ngoài:

Đầu thập niên 80, gần 90% các sản phẩm điện tử của Nhật đều sản xuất trong nước. Nếu nhà ai còn giữ lại các sản phẩm sản xuất vào thời điểm này gần như rất khó tìm ra chữ Made in Malaysia, Thailand, Korea hay China từ các sản phẩm của Sony, Sanyo, JVC, National của Nhật. Nhưng khi các tên tuổi này đã quá bành trướng, tình trạng cung không theo kịp cầu do họ không thể liên tục mở thêm các công xưởng lắp ráp tại Nhật bởi vấn đề liên quan đến diện tích và địa lý tại đây, cũng như tình trạng giá thành nhân công trong nước tăng chóng mặt khi Nhật gần bước vào giai đoạn bong bóng kinh tế châu Á vào năm 1986, đã khiến các hãng công nghiệp này tìm đến các nước Đông Nam Á và Trung Quốc xây dựng các nhà máy lắp ráp, thuê luôn nhân công bản địa với giá tiền rẻ hơn vài chục lần so với tại Nhật. Vậy là vấn đề cung cầu cùng với giá thành nhân công của họ gần như giải quyết triệt để.

Ban đầu các nhà máy bên ngoài Nhật Bản vẫn do các hãng này nắm quyền lực chi phối, họ chỉ chuyển các bộ phận không quan trọng của một sản phẩm hay một vài linh kiện nào đó cho các nhà máy này sản xuất, hay các sản phẩm rẻ tiền dành cho tầng lớp lao động sử dụng. Đến khi Nhật chính thức bước vào giai đoạn bong bóng kinh tế châu Á nữa cuối thập niên 80, thì các công ty này bắt đầu đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhiều nhà máy lắp ráp bên ngoài Nhật Bản, họ cũng chú ý nâng cao tay nghề cho công nhân bản địa trong các nhà máy của mình. Từ đó các thành phần quan trọng hơn, các kỹ thuật tiên tiến dần dần được các công ty này chuyển ra nước ngoài để sản xuất và lắp ráp. Nguy cơ tiềm ẩn về việc các kỹ thuật và công nghệ sản xuất đồ điện tử của Nhật bị đánh cắp bắt đầu dần xuất hiện.

Bạn cần phân biệt rằng tại sao Nhật cũng nhờ công nghệ của phương Tây đem vào nhưng lại không bao giờ có người Mỹ hay người châu Âu nào nói “Nhật lấy cắp công nghệ của chúng tôi“? Bởi những kỹ thuật công nghệ người Mỹ hay phương Tây đem vào Nhật giai đoạn nước này mở cửa là dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh. Tàu hỏa, xe điện, ô tô, máy bay, tivi, radio… đều là sản phẩm sản xuất và lắp ráp hoàn chỉnh bên ngoài Nhật Bản. Vì vậy các sản phẩm “đầu tiên của Nhật hay châu Á” trong hai phần đầu của loạt bài này đều do tự người Nhật làm ra từ các mẫu sản phẩm đã có sản xuất hoàn chỉnh của nước ngoài. Bởi Mỹ hay phương Tây chỉ muốn xuất khẩu sản phẩm của họ để thu tiền, chứ họ không dại gì mà xuất khẩu cả kỹ thuật công nghệ của mình cho Nhật. Nhưng họ không thể ngờ người Nhật có thể chế tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh tương tự như vậy với kỹ thuật còn vượt trội hơn.

Có người sẽ cho rằng việc nhìn vào một sản phẩm hoàn chỉnh rồi chế tạo ra một sản phẩm tương tự sẽ dễ dàng hơn thay vì học hỏi hay đánh cắp kỹ thuật khi sản xuất từng bộ phận rời của một sản phẩm nào đó. Nhưng tôi cho rằng hoàn toàn ngược lại! Bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian ban đầu trong việc tiếp xúc kỹ thuật công nghệ của nước ngoài khi sản xuất các bộ phận rời rạc mà chẳng chế tạo được gì, nhưng đó lại là thời gian quý báu nâng cao trình độ cùng kinh nghiệm của bạn trong một thời gian dài tiếp xúc với các kỹ thuật này, thời gian sau sẽ dễ dàng có được nền tảng nhất định thì việc tự chế tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh không còn là vấn đề. Từ đó bạn sẽ bắt kịp rất nhanh với các công nghệ tiên tiến khác do nền tảng lúc này đã khá vững. Còn nếu không có được giai đoạn học hỏi hay đánh cắp mà tự nhìn theo đó chế tạo ra, bạn vẫn có thể làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh, nhưng chất lượng cùng sự sáng tạo sẽ muôn đời không thể phát triển được.

Nhưng do đâu người Nhật lại có nền tảng kỹ thuật mạnh mẽ như vậy cho dù phương Tây không dạy họ? Nguyên nhân cũng chỉ có hai: bản chất của người Nhật từ thời xa xưa đã rất giỏi về thủ công kỹ thuật cùng sự tinh xảo ngay từ thời kỳ Sengoku và Edo. Bạn sẽ giật mình khi nhìn vào các kỹ thuật đồ đồng, gốm, nghề mộc của họ tỉ mĩ và sắc sảo ra sao từ thế kỷ 15, 16 trong các viện bảo tàng quốc gia của Nhật. Tất nhiên đây là thời kỳ mà các nước châu Á chịu sự ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa cổ đại và trung đại, người Nhật cũng không hề phủ nhận vấn đề này. Nhưng những gì người Nhật tiếp thu từ văn minh của nước ngoài, họ đều có thể làm tốt hơn nhiều các thứ trước đó, đây có lẽ do trời phú. Nguyên nhân thứ hai chính là thời điểm Nhật mở cửa thì người dân họ được tiếp xúc với văn hóa cùng đồ đạc lạ lẫm của phương Tây, do dòng máu có từ thời xa xưa là không chịu thua ai, nên có rất nhiều nhà tri thức của họ sang phương Tây tìm hiểu văn hóa cùng học hỏi văn minh, rồi về nước truyền bá lại.

Quay lại vấn đề các nhà máy bên ngoài Nhật Bản. Do Trung Quốc giai đoạn giữa cuối thập niên 80 vẫn còn tình trạng bế tắc về kinh tế cùng chính trị so với Malaysia, Thái Lan, nên họ chưa thật sự là mầm mống nguy hiểm đối với các hãng điện tử Nhật Bản. Đông Nam Á cũng không là vấn đề với Nhật do trình độ phát triển về khoa học kỹ thuật tại đây thuộc loại thấp nhất châu Á. Nhưng Hàn Quốc thì hoàn toàn là câu chuyện khác, họ mở cửa đón nhận văn hóa kỹ thuật của phương Tây ngay trước khi giành lại độc lập từ tay Nhật Bản năm 1945, được Mỹ ủng hộ hết mình trong quá trình nội chiến với Bắc Triều Tiên nên ngay từ thời điểm đó Hàn Quốc đã là một nước tư bản thực thụ. Họ cũng có những nhân tài như Hyundai không thua kém gì người Nhật trong giai đoạn hình thành nước công nghiệp. Ngoài ra do khi người Nhật chiếm đóng Hàn Quốc, họ đã mở các nhà máy, xưởng chế tạo do các tập đoàn hình thành trước năm 1945 như Mitsubishi, Hitachi, Toshiba nhằm sản xuất các sản phẩm cần thiết cho quân lính Nhật đồn trú tại đây. Vì vậy khoa học kỹ thuật công nghiệp của Hàn Quốc đã được hình thành sớm từ giai đoạn này.

Các công ty điện tử của Nhật trong thập niên 80 khi đẩy mạnh xây dựng nhà máy lắp ráp tại đây đã quá tự tin cho rằng công nghệ của họ sẽ không dễ dàng gì bị bắt chước hay đánh cắp như tại Trung Quốc hay Đông Nam Á. Nhưng phải chăng do nhân công của Hàn Quốc lúc này vẫn còn chênh lệch rất lớn so với Nhật, mà trình độ kỹ thuật lại khá hơn nhiều so với các nước kia, giúp họ tiết kiệm chi phí nâng cao tay nghề như tại các nước khác, nên các công ty này đã tự tin đem dây chuyền sản xuất sang đây? Vậy là theo thời gian dần dần các sản phẩm của Sony, Panasonic, Hitachi… càng ngày càng xuất hiện chữ China, Korea, Thailand, Malaysia thay cho chữ Japan. Mà theo luật quốc tế về việc ghi nơi xuất xứ sản phẩm xuất khẩu, bắt buộc trên 70-75% linh kiện được sản xuất tại đâu thì phải ghi nơi đó. Vì vậy dễ dàng nhận ra các hãng này đã gần như đem dây chuyền sản xuất ra khỏi Nhật Bản, song song với việc công nghệ của họ bị người bản địa học hỏi hay đánh cắp là chuyện dễ dàng trong thời kỳ hiện đại này. [Bên lề một chút: đây là nguyên nhân vì sao hầu hết các sản phẩm của Apple kể từ năm 1997 trở lại đây đều không ghi chữ Made in China mà là Assembled in China, bởi không có nước nào chiếm trên 70% linh kiện trong các sản phẩm đó. Bạn cũng sẽ bắt gặp một vài sản phẩm điện tử (không nhiều) chỉ ghi Assembled in China mà không hề ghi Made in …].

Người Trung Quốc thời gian này do đang trong giai đoạn lưỡng lự giữa kinh tế đi theo XHCN hay TBCN nên chưa chú trọng đến vấn đề học hỏi nghiêm túc công nghệ nước ngoài, mà họ chỉ thấy gì bắt chước làm theo vô tội vạ theo “thuyết con mèo” của Đặng Tiểu Bình. Đông Nam Á tuy có Thái Lan, Singapore, Malaysia tương đối bắt đầu phát triển, nhưng họ chú trọng nhiều hơn vào kinh tế và các ngành nghề khác của xã hội, còn nghiên cứu tìm hiểu khoa học kỹ thuật điện tử của Nhật thì không nhiều. Chỉ Thái Lan là thành công trong việc lấy được kỹ thuật sản xuất xe gắn máy từ hãng Honda, hiện tại Honda Thailand gần như độc lập với Honda Nhật Bản khi từ thiết kế tới sản xuất đều do người Thái làm. Còn người Hàn Quốc thì rõ ràng thấy được tiềm năng to lớn của thế giới đồ điện tử, vì vậy họ rất hoan nghênh việc các hãng điện tử của Nhật đầu tư hay liên doanh với các hãng trong nước. Khi Hàn Quốc đã có tay nghề cùng kinh nghiệm khá tốt, chỉ cần liên doanh với bất kỳ hãng điện tử nào của Nhật hay phương Tây thì việc học lén trong khi sản xuất là việc không quá khó. Một anh kỹ sư bình thường chỉ cần nhìn vào công nghệ cao cấp của đối thủ cũng dễ dàng tìm ra mấu chốt của công nghệ đó hơn so với một anh công nhân có tay nghề cao. Vậy là từ ô tô, máy móc, tivi, đồ gia dụng… đều được người Hàn Quốc tiếp thu theo đường chính quy và không chính quy. Từ thập niên 60 đến cuối thập niên 80 các hãng sản xuất semiconductor của Nhật đã lấy hết thị phần của người Mỹ và họ luôn là nhà sản xuất lớn nhất, nhưng sang đến thập niên 90 gió liền đổi chiều khi lần lượt Samsung, LG của Hàn Quốc hay một số hãng của Đài Loan lại là người đứng đầu.

Hậu quả nặng nề nhất là Sony, khi họ liên doanh hợp tác với Samsung mở nhà máy S-LCD năm 2004 khi Sony bắt đầu gấp rút chạy đua với Sharp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sai lầm chết người của Sony có lẽ do việc họ cho rằng giá nhân công tại Hàn Quốc vẫn rất rẻ so với Nhật Bản, nên đã gật đầu với đề nghị của Samsung là đặt toàn bộ nhà máy sản xuất tấm nền LCD của liên doanh S-LCD này tại Tangjeong, đồng thời Samsung nắm 50%+ và Sony là 50%-. Thời điểm này tivi của Samsung đã được ưa chuộng tại một số thị trường (do đâu nằm ở nguyên nhân thứ hai), việc liên doanh S-LCD ra đời là cơ hội không thể tốt hơn cho họ đánh bại mọi đối thủ kể cả đối tác Sony trong bối cảnh các gã khổng lồ này đột nhiên trì trệ đến khó hiểu. Chỉ hai năm sau Samsung đã chiễm chệ đứng đầu thị phần LCD toàn cầu, kể cả tivi lẫn tấm nền màn hình.

Tại sao cùng dùng chung một nơi cung cấp tấm nền nhưng Samsung ăn nên làm ra còn Sony hay nhiều hãng khác của Nhật sử dụng tấm nền từ lò S-LCD này lại kinh doanh bế tắc? Nguyên nhân thứ hai sẽ trả lời bạn.

2. Thói quen dùng đồ điện tử của mọi người trên thế giới đã thay đổi:
Trong nguyên nhân này xin lấy thị phần tivi làm ví dụ chính.

Thập niên 60, 70, 80, hầu như từ châu Á đến châu Âu, châu Mỹ đều có một loại thói quen dùng đồ điện tử: tốt, bền, mắc một chút cũng không sao. Do đó sản phẩm “Made in Japan” được khắp nơi nhiệt liệt hoan nghênh, lý do đơn giản bởi giá sản phẩm so với “Made in USA” hay “Made in Germany” rẻ hơn một chút nhưng tốt và tối tân hơn, cùng điều kiện cốt lõi là độ bền vô địch. Bạn muốn biết bền ra sao ư? Rất dễ dàng: bất kỳ sản phẩm đồ công nghiệp Made in Japan nào của Nhật sau một đoạn thời gian sử dụng qua, rồi bạn ngưng không dùng tới nữa, vài năm hay thậm chí trên mười năm sau bạn lấy ra cắm điện hay battery vào thì ngay tức thì sử dụng bình thường như lúc mới dùng. Còn Made in USA thì không được vậy, không đến nỗi không hoạt động, nhưng sẽ bị một chút trục trặc ban đầu khi dòng điện trong các bản mạch chưa chạy ổn định do một thời gian dài không dùng qua, nhưng chỉ cần vài tiếng sau là máy sẽ chạy lại bình thường như lúc đầu. Made in Korea cũng không được như USA và có phần tệ hại hơn. Còn Made in China thì khỏi phải nói, cho dù đó là của Sony hay Panasonic thì kết quả chỉ có một: máy sẽ không hoạt động, hoặc sẽ “mát mát” không sử dụng bình thường được. Dễ dàng nhận ra điều này trong các remote của tivi, dàn âm thanh hay các máy CD, DVD. Chỉ cần bạn không rớ tới khoảng hai năm thì các remote (đa số Made in China, Korea và Malaysia) này đều “dở chứng” ngay, trong khi cái máy chính (Made in Japan) vẫn hoàn hảo.

Văn hóa đồ công nghiệp của Nhật đã quá in sâu sau một thời gian dài, dẫn đến việc dần dần giá sản phẩm của họ được xếp ngang hàng với châu Âu và Mỹ. Ngoài ra ở nhiều quốc gia trong thời gian này, phải gia đình khá giả một chút hay giàu có mới dám sở hữu đồ điện từ Nhật hay châu Âu. Nhưng bước sang nữa cuối thập niên 90 thì tình hình bắt đầu thay đổi, tầng lớp người nghèo tại các nước bắt đầu khá lên, họ cũng muốn sở hữu tivi, tủ lạnh, máy giặt… như những người khá giả và giàu có khác. Samsung và LG nổi lên như là người hùng đối với tầng lớp này bởi giá bán quá tốt so với đồ của Nhật (Made in China, Malaysia). Sản phẩm của Nhật bắt đầu gặp hai vấn đề: những khách hàng trung thành của họ vẫn đang sở hữu mọi thiết bị do họ làm ra mà vẫn không muốn đổi cái mới do hoàn toàn không bị hư hại gì, tầng lớp khá giả chiếm số đông nhất; sản phẩm Nhật Bản cho dù lắp ráp ở đâu cũng phải không quá chênh lệch về chất lượng so với lắp ráp trong nước, nên giá thành vẫn rất cao nếu so với Samsung, LG hay của Đài Loan dành cho người nghèo.

Vấn đề phát sinh từ đây: người nghèo không mua đồ của họ do quá mắt so với Samsung hay LG; một lượng lớn người khá giả không mua đồ của họ do các sản phẩm trong nhà vẫn còn hoạt động tốt; người giàu có thì vẫn chiếm số ít trong xã hội, ngoài ra Nhật còn phải cạnh tranh với châu Âu ở thị trường cho người giàu. Vậy là có một đoạn thời gian khoảng 5-7 năm trong giai đoạn trước và sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Nhật xuất khẩu rất nhiều nhưng bán không bao nhiêu so với năm năm trước đó, cũng may những ngành công nghiệp khác như ô tô, semiconductor hay công nghiệp nặng vẫn phát triển mạnh nên sự trì trệ này cũng không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Nhật.

Khủng hoảng tài chính xảy ra khiến mọi người tại các nước châu Á giàu có bao gồm cả Nhật bắt đầu giảm chi tiêu, người Nhật bắt đầu có thói quen mua đồ rẻ tiền. Không chỉ châu Á, không khí u ám này cũng ảnh hưởng tới Mỹ và châu Âu do kinh tế Nhật suy yếu. Người người bắt đầu bỏ thói quen mua đồ tốt, bền có giá khá mắc của Nhật, họ quay sang các nhãn hiệu của Hàn Quốc nổi tiếng với chất lượng chấp nhận được mà kiểu dáng khá bắt mắt cùng giá thành rẻ hơn so với Sony hay Panasonic. Bởi thời đại dùng đồ đạc lúc này không còn chú trọng đến “bền bỉ“, mọi người chấp nhận một món đồ chỉ sử dụng trong hai, ba năm mà không cần phải trên mười năm như xưa, đổi lại họ có thể hưởng được các công nghệ mới trong thời gian ngắn hơn. Đến lúc các hãng điện tử lớn của Nhật nhận ra thói quen dùng đồ của mọi người đã thay đổi thì họ cũng không kịp chuyển hướng kinh doanh của mình cho phù hợp tình hình này, mặc dù họ đã cố gắng đem hầu hết dây chuyền sản xuất ra nước ngoài nhằm giảm chi phí sản xuất để hạ giá thành. Trong lúc loay hoay không tìm được hướng đi mới, thì các đối thủ nước láng giềng Hàn Quốc bắt đầu tăng tốc tấn công mọi thị trường của Nhật. Họ không ảnh hưởng gì so với các hãng nước láng giềng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính do được chính phủ bảo trợ phía sau. Họ đánh đúng vào tâm lý của tầng lớp nghèo với các sản phẩm rẻ tương đương Trung Quốc nhưng chất lượng tốt hơn nhiều; các dịch vụ khuyến mãi cùng mẫu mã chất lượng được nâng cao mà lại rẻ hơn của Nhật đã đánh đúng tâm lý của tầng lớp khá giả. Ngoài ra sự khác biệt chính là Samsung và LG không quá chăm chú vào một sản phẩm bất kỳ, họ đoán đúng thời điểm thói quen thích thay đổi công nghệ mới trong thời gian ngắn của mọi người, cùng lợi thế giá thành nhân công và giá thành linh kiện không hãng Nhật nào cạnh tranh lại, họ sản xuất ra sản phẩm mới liên tục trong thời gian ngắn nhất mỗi khi trên thế giới có một công nghệ gì mới ra. Đài Loan và sau này là Trung Quốc đã thành công khi áp dụng theo Hàn Quốc.

Quả thật các hãng điện tử Nhật Bản đã không thích ứng kịp tình trạng thay đổi của người tiêu dùng trong thế kỷ 21 này. Họ bắt buộc phải chuyển hướng hợp tác liên doanh với người láng giềng Hàn Quốc hay Đài Loan, Trung Quốc nhằm có được giá thành sản phẩm tương đương với đối thủ trong cạnh tranh. Đây là cơ hội trời cho đối với Hàn Quốc, điển hình là Samsung với việc liên doanh S-LCD cùng Sony. Hiện tại nhìn lại liên doanh này, chỉ có thể nói là “thất bại ê chề” dành cho Sony, còn Samsung thì “thành công rực rỡ“. Trước khi có liên doanh này, Samsung vẫn là một hãng lớn về LCD, nhưng chất lượng hình ảnh chưa được đặt ngang hàng với Sony, Toshiba, Panasonic. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm, chất lượng của Samsung đã cải tiến triệt để cùng việc kinh doanh thuận lợi của họ đã giúp Samsung đứng đầu về thị phần từ 2006 đến nay. Hiện nay chất lượng tivi của cả Samsung lẫn LG đều 8.5 -10 đối với Sony hay Panasonic. Không ai phủ nhận những nổ lực cải tiến chất lượng của Samsung hay LG trong lĩnh vực này, nhưng nếu không có sự “cẩu thả” trong kinh doanh cùng các vấn đề liên doanh của các hãng điện tử Nhật, thì hai người khổng lồ Hàn Quốc không thể nhanh chóng qua mặt họ như vậy.

Một dẫn chứng khác chính là tấm nền công nghệ IPS của Hitachi. Họ là hãng phát minh ra công nghệ này, sau đó LG đã liên doanh với Hitachi nhằm mở rộng thị trường cho IPS. Kết quả thì hiện tại ai cũng chỉ biết IPS là do LG làm, còn cái tên Hitachi gần như chỉ ai hiểu rõ về thời điểm IPS được phát minh ra mới biết được. Hiện tại Hitachi “ôm đầu máu” tuyên bố sẽ không tham gia sản xuất tấm nền cho LCD nữa do sự thua lỗ của họ. Còn LG thì là ông vua sản xuất IPS LCD cho mọi mặt hàng điện tử. Tương tự với IPS chính là Oled, trước khi Samsung tham gia vào sản xuất Oled thì Sony, Pioneer của Nhật là hai hãng chính sản xuất ra sản phẩm thương mại sử dụng màn hình này. Nếu bạn còn nhớ những năm cuối thập niên 90, những dàn âm thanh trên xe ô tô đều có một màn hình điện tử chói mắt sáng rực, đó đều là màn hình Oled thế hệ đầu, hầu hết đều do Pioneer và Sony sản xuất ra. Do Pioneer đồng thời nghiên cứu màn hình Plasma với Panasonic nên họ đã bán lại công nghệ này cho các nhà sản xuất màn hình của Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc (Samsung và LG). Sony một lần nữa lại hợp tác (không phải liên doanh) với Samsung cùng một vài hãng sản xuất màn hình của Đài Loan nhằm đưa Oled vào màn hình tivi. Năm 2007 họ đã thành công khi là hãng đầu tiên chế tạo được tivi Oled thương mại, còn Samsung và LG chỉ có sản phẩm mẫu ở phòng trưng bày và thông báo trên báo chí là họ làm ra tv Oled, chứ chưa hề có tivi Oled nào của họ bán ra thời điểm đó cho tới hiện tại. Nhưng Sony lại dâng toàn bộ thành quả công nghệ Oled của họ cho các hãng này. Chúng ta chỉ có thể nói các hãng điện tử Nhật thời điểm cuối năm 90 đến hiện tại đã “sai lầm không thể chữa” trong các vấn đề về hợp tác kinh doanh.

Đến đây xin trả lời câu hỏi bên trên về việc do đâu cùng lấy tấm nền LCD chung một nguồn là S-LCD, nhưng Sony và Panasonic lại không bán được như Samsung. Do hai nguyên nhân:

Sony hay Panasonic lấy tấm nền do S-LCD tại Hàn Quốc gởi qua vô tình họ mất một khoảng chi phí vận chuyển. Công nghệ LCD trên đó vẫn là công nghệ thô, Sony, Panasonic phải đem vào công xưởng nghiên cứu của mình để thêm bớt vào đó tùy theo công nghệ riêng của họ mới ra thành phẩm. Một số sẽ được lắp ráp tại Nhật cho các tivi cao cấp, còn lại sẽ chuyển ra các công ty gia công lắp ráp khác như Foxconn tại Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia hay Thái Lan. Samsung cũng phải tự nghiên cứu ra công nghệ riêng trên LCD, nhưng họ không tốn một xu vận chuyển mà trực tiếp nghiên cứu, lắp ráp và đóng gói ngay tại chỗ. Mà việc nghiên cứu R&D tại Nhật luôn mắc hơn Hàn Quốc, kỹ sư Nhật tại R&D của các hãng lớn trung bình lương giờ tệ nhất cũng 15-20$ trong các khâu bình thường, các khâu quan trọng lương gần gấp đôi hay gấp ba con số trên. Vì vậy các hãng này vẫn không thể tìm ra đáp án làm cách nào có thể bán ra sản phẩm chất lượng hơn đối thủ mà giá thành tương đương.

Hiện tại năm 2012 này, bạn thấy tivi Sony hay Samsung có giá như không chênh lệch mấy nhưng sao Sony vẫn lỗ khi họ vẫn là hãng chiếm thị phần thứ ba? Panasonic cũng tương tự? Do vấn đề về tỷ giá xuất khẩu mà các hãng này phải chịu lỗ nhằm cạnh tranh thị phần hoặc thu vô không đủ lời trong khi tiền marketing lại quá lớn. Và để có thể trung hòa các yếu tố này, họ phải hy sinh vấn đề marketing. Thời đại thế kỷ 21 này, nếu marketing không tốt thì bạn sẽ không thể bán được nhiều sản phẩm. Trong khi các hãng Nhật Bản càng thu hẹp khoảng marketing thì Samsung và LG bành trướng rộng lớn hơn trong các khoảng chi về marketing. Tại Mỹ từ hơn ba, bốn năm nay các quảng cáo lớn hay poster của Samsung và LG treo mọi nơi, quảng cáo trên báo hay tivi cũng nhiều hơn hẳn so với Sony hay Panasonic. Còn Sharp và Hitachi gần như “lặn mất tiêu”.

Vậy là đối với một khách hàng bình thường không quá khắt khe về chất lượng sản phẩm, họ sẽ chọn Samsung hay LG do giá cả rẻ hơn, mẫu mã bắt mắt hơn mà chất lượng không hề thua sút các hãng của Nhật như đồ của Trung Quốc. Xin nêu ví dụ cho bạn dễ hiểu: anh A sẵn sàng bỏ ra $800 mua LCD của Samsung hay LG tại thời điểm năm 2009, anh A cũng chấp nhận LCD đó sẽ gặp vấn đề về chất lượng hình ảnh sau hai, ba năm sử dụng, bởi anh A dự tính sẽ mua một LCD công nghệ mới hơn sau hai, ba năm đó cũng với giá tiền tương đương hay thậm chí rẻ hơn, chỉ có Samsung hay LG mới đáp ứng được yêu cầu này. Còn Sony hay bất kỳ hãng nào của Nhật đều không làm được. Cùng thời điểm năm 2009 để có được một LCD như Samsung hay LG của Sony, anh A phải bỏ thêm $100-250 mới mua được, dễ dàng nhận ra được tâm lý của anh A sẽ dao động mạnh với số tiền bỏ ra để mua tivi Sony này. Anh A cũng rất “ngại” việc hai, ba năm sau phải đổi cái tivi Sony hoàn toàn còn hoạt động tốt để mua tivi công nghệ mới khác. Thời điểm nước Mỹ và châu Âu rơi vào khủng hoảng tín dụng năm 2008, tình hình kinh tế khó khăn càng khiến những người cùng suy nghĩ như anh A chọn mua Samsung và LG hơn là các hãng điện tử Nhật Bản.

Bạn đừng thấy ở thị trường Mỹ, người tiêu dùng đều là người Mỹ chính thống. Còn rất nhiều thành phần khác như dân tị nạn, ở bất hợp pháp, người mới di dân từ các nước nghèo khác sang… Thành phần những người tiêu dùng này không hề ít, những hãng điện tử Nhật Bản không thể cạnh tranh được với các hãng đến từ Đài Loan, Trung Quốc, cũng như các sản phẩm giá rẻ của Samsung và LG. Nếu Sony, Panasonic hay Sharp chỉ cần đẩy mạnh vào thị trường giá rẻ này sẽ càng chết sớm hơn, bởi thương hiệu của các hãng này trong bao năm qua đều dành cho khách hàng khá giả tới giàu có, họ sẽ quay mặt với các hãng Nhật Bản khi cho rằng các thương hiệu này cũng chỉ nganh hàng với Hàn Quốc hay Trung Quốc.

Trên đây chỉ là lấy tivi ra làm dẫn chứng. Ngoài tivi, một loạt các sản phẩm khác trong ngành điện tử của Nhật đều chịu tình trạng tương tự.

Samsung, LG hay một vài hãng của Trung Quốc, Đài Loan đều có sự trợ giúp từ chính phủ mỗi khi có chuyện gì xảy ra. Còn Sony, Panasonic, Sharp? Tại sao chính phủ Nhật không nhúng tay vào vấn đề này, bởi xuất khẩu điện tử chiếm gần 15% (2011) tổng thu nhập kim ngạch xuất khẩu của Nhật đang giảm xuống không phanh kể từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước? Câu trả lời là có, nhưng vướng phải tình trạng “lực bất tòng tâm”. Nguyên nhân cuối sẽ giải đáp cho bạn.

3. Nền kinh tế, chính trị và xã hội hiện tại của Nhật gây ảnh hưởng trực tiếp tới những gã khổng lồ này.

Nhật sẽ chẳng u ám như ngày nay nếu năm 1997 khủng hoảng tài chính tại châu Á không xảy ra. Tuy không trực tiếp ảnh hưởng, nhưng nó như là một giọt nước làm tràn ly, khiến cách sinh hoạt của người Nhật thay đổi hoàn toàn so với trước thời kỳ bong bóng kinh tế những năm 80. Người Nhật đã bắt đầu “biết cách” hạn chế trong tiêu xài cùng việc mua đồ giá rẻ. Trước khi xảy ra cơn bão tín dụng năm 2008, một thời gian rất dài chính phủ Nhật không tìm ra được biện pháp nào để cải thiện tình hình “ăn xài” của người Nhật như xưa.

Thời điểm tiết kiệm” này cũng là lúc tôi đang học tại Tokyo. Sau hai, ba năm hòa nhập và quen với cách xài của họ, tôi đã từng hỏi ông thầy trong trường: người Nhật hiện tại thấy xài sang và chịu chi quá, sao báo chí lại nói rằng họ đang tiết kiệm? Câu trả lời tôi nhận được là thời điểm cuối thập niên 70 đến đầu những năm 90, người Nhật thời đó xài tiền gấp ba lần hiện tại! Những nhà hàng đắt tiền như là các bữa ăn bình dân, thời trang cao cấp như là món đồ chơi, thích là cứ mua mà chẳng quan tâm tới túi tiền ra sao. Nhưng giữa thập niên 90, kinh tế Nhật bắt đâu có chiều hướng trở xấu do xuất khẩu không được như xưa, sau khủng hoảng năm 1997 đến tận khi Thủ Tướng Koizumi lên nắm quyền tình hình ngày càng tồi tệ. Chính phủ Nhật không thể kiếm được nguồn thu đầy đủ từ thúê tiêu dùng, trong khi ngân hàng tiết kiệm Japan Post lại trữ lượng tiền khổng lồ càng ngày càng tăng từ người dân mà chính phủ không thể sử dụng. Ngân hàng này là quốc hữu hóa nên tiền tiết kiệm của người dân chính phủ không được phép rớ tới. Trái phiếu của Nhật đã không còn hấp dẫn đối với dân Nhật, bởi ai cũng nghĩ có chuyện gì thì không kịp xoay sở, tiền mặt trong tay là thích hợp nhất thời điểm khó khăn này. Những ông lão trong bộ tài chính chỉ còn đề xuất là tăng tỷ lệ trái phiếu bán ra nước ngoài nhằm thu nguồn tiền cho chính phủ.

Nước Nhật bắt đầu dần lún sâu vào nợ nần khi họ tăng số lượng trái phiếu bán cho Mỹ, châu Âu và anh chàng Trung Quốc mới bắt đầu giàu có sau khi thu được mỏ vàng là Hong Kong về tay mình năm 1997. Việc bạn muốn bán trái phiếu cho nước ngoài phải hội tụ một trong hai điều kiện chính: đồng tiền của bạn phải ổn định và có tiếng trên thế giới ($, ¥ và € là ba loại chính trong giao dịch quốc tế); phải khiến người mua thấy được cái lợi trong giao dịch, đầu tư tương lai. Tuy kinh tế Nhật có dấu hiệu bất ổn nhưng đồng ¥ hoàn toàn ổn định, vì vậy ngân hàng cùng bộ tài chính làm mọi cách để giữ cho đồng yên không bị biến động về tỷ giá so với các đồng tiền khác.

Khi ông Koizumi lên nắm quyền, ông đã thay đổi cách làm truyền thống của đảng cầm quyền Tự Do Dân Chủ (Jimintō – LDP), giúp Nhật bắt đầu quay lại quỹ đạo ngày xưa, nhưng chỉ một phần nhỏ. Bởi một số cải cách trong thời gian trước khi ông Koizumi làm thủ tướng và sau khi hết nhiệm kỳ của LDP đã ảnh hưởng xấu rất lớn tới chính phủ sau này khi tình hình toàn cầu bị điêu đứng năm 2008. Hệ quả là chính phủ mới đã cắt giảm những khoảng chi tiêu lãng phí trước đó, nhưng tiền từ người dân lại một lần nữa không chạy vào tay chính phủ. Vậy là bộ tài chính và ngân hàng trung ương lại “bổn cũ soạn lại“, tiếp tục bán trái phiếu, giữ giá tiền ¥ ổn định.

Nhiều người cho rằng đồng ¥ tăng giá so với $ hay € là sai lầm. Chính xác là ¥ dậm chân tại chỗ so với trước và sau năm 2008, còn $, € hay các đồng tiền khác đều đồng loạt sụt giảm. Đến đây thì mới biết chính phủ Nhật “lực bất tòng tâm” ra sao. Khi $, € giảm giá so với ¥, việc xuất khẩu của Nhật gặp khó khăn lớn trong khi đồ nhập khẩu của nước ngoài lại ồ ạt vào Nhật và dễ dàng bán được do giá quá rẻ. Người dân lại thích du lịch ra nước ngoài, họ xài tiền thoải mái do ¥ cao hơn $ hay €, nhưng tiền đó là tiền đóng thúê cho chính phủ bản địa, còn chính phủ Nhật không thu được một xu nữa. Do phải giữ giá ¥ ổn định so với các loại tiền khác để trái phiếu có thể dễ dàng bán ra, ngân hàng trung ương không thể làm gì hơn ngoài việc “không đá động tới tỷ giá ¥, không thể hạ tỷ giá ¥ xuống“, vì nếu bây giờ hạ tỷ giá ¥ xuống sẽ khiến Mỹ và châu Âu cùng Trung Quốc gây áp lực ngay, do kinh tế Nhật không bị khủng hoảng như Mỹ hay châu Âu, mà chỉ bị trì trệ, tăng chậm.

Đến đây bạn đã có thể nhận ra tại sao ¥ lại mạnh hơn nhiều so với $ và €. đây là tác động rất lớn, ảnh hưởng sâu nặng tới xuất khẩu của Nhật. Các công ty điện tử Nhật khi xuất khẩu qua Mỹ hay EU, họ phải chịu mức lỗ rất lớn so với trước năm 2008 do tỷ giá xuất khẩu xuống quá thấp. Ví dụ: thời điểm $1=¥108~115 thì tỷ giá xuất khẩu của Sony là khoảng $1=¥90~93; Toyota thấp hơn, khoảng $1=¥86~89. Trong khi từ năm 2009 đến nay, $1 chỉ còn ¥77~89, các hãng phải điều chỉnh tỷ giá xuống thấp hơn mức này, trong khi giá bán ra tại Mỹ hay EU không thể quá cao so với Samsung hay LG, vì vậy từ năm 2008 tới nay “bài ca lỗ vốn” luôn được các công ty điện tử Nhật hát lên mỗi khi có báo cáo tài chính. Trừ khi đồng $ hay € tăng giá trở lại, nếu không thì trong vòng hai, ba năm tới chúng ta sẽ còn nghe câu chuyện lỗ vốn dài dài của các hãng điện tử Nhật Bản.

Một vấn đề nữa mà có lẽ rất ít người biết tới, đó là vấn đề thuế nhập khẩu đồ điện tử của Nhật và Hàn Quốc khác nhau. Trước khi vấn đề tín dụng năm 2008 xảy ra, Samsung, LG và tất cả các hãng xe ô tô Hàn Quốc khi bán hàng qua bên Mỹ thì thuế của họ là 2% (1980~2000) và 0%(2012-?) theo điều khoản FTA (Free Trade Agreement-hiệp định thương mại tự do) ký kết giữa Mỹ-Hàn Quốc, đổi lại Hàn Quốc bắt buộc phải nhập khẩu xe ô tô và thịt bò của Mỹ dài hạn. FTA giữa hai nước này chỉ mới có hiệu lưc về thuế mới bắt đầu từ năm nay. Còn Nhật Bản thì bất kỳ hàng hóa nào xuất khẩu qua Mỹ đầu bị đánh thuế cao tương đương các nước EU, do quốc gia này thuộc dạng giàu thứ hai trên thế giới. Điều này dẫn đến việc một sản phẩm của Sony nếu cùng công nghệ, cùng giá tiền sản xuất như Samsung thì giá bán qua bên Mỹ cũng không thể bằng giá với Samsung được, nếu Sony không muốn bán lỗ trong tất cả mọi mặt hàng.

=> Đối với những ai yêu thích sự đơn giản không màu mè nhưng tuyệt đối chất lượng của các sản phẩm điện tử Nhật Bản, quả thật đang thất vọng với các hãng này trong vấn đề cạnh tranh, phát minh ra những công nghệ mới so với các hãng của Mỹ, Hàn Quốc và cả Đài Loan. Thế hệ những người đứng đầu hiện tại của các hãng này đều là thế hệ thứ hai hoặc thứ ba. Do đó có thể họ không có được những động lực cần thiết như những thế hệ đầu tiên của Sony, Panasonic, Honda, Toyota… Tầm nhìn trước mắt của họ quá hạn hẹp do những cái lợi trước mắt làm lu mờ. Tình yêu của họ dành cho công ty nơi họ đang nắm quyền không bằng một gốc so với thế hệ đầu tiên. Ngoài ra những người đứng đầu, những cổ đông hiện tại của các công ty công nghệ Nhật Bản đã quá lạm quyền trong các dự án sản phẩm mới, họ can thiệp quá nhiều vào quy trình sản xuất và thiết kế nhằm giảm thiểu tối đa lượng tiền bỏ vào R&D, thay vào đó lượng tiền này sẽ chảy vào túi họ. Một phần nguyên nhân khác cũng bởi sự chênh lệch về công nghệ giữa các quốc gia hiện nay không còn quá cao so với hai, ba mươi năm trước.

Hy vọng khi nền kinh tế thế giới ổn định trở lại, người Nhật lại cho chúng ta những sản phẩm công nghệ mới trong đời sống hằng ngày như cái cách Sony đã từng làm khi xưa.

-END-

Lưu ý: nội dung của phần này là do ý kiến cá nhân tôi, đã tham khảo sách báo, ý kiến của bạn bè và một thầy người Nhật, cùng kinh nghiệm từng sống bên đó mà viết ra. Nội dung chỉ mang tính tham khảo, không chắc chắn đúng 100%. Vì vậy rất hoan nghênh các ý kiến khác của người đọc.

Categories: Technology
  1. Anonymous
    March 13, 2012 at 8:08 am

    Mới đọc sơ qua. Tối về đọc lại lần nữa mới hiểu hết ý nghĩa bác muốn nói. Cám ơn nhiều!

  2. March 13, 2012 at 8:33 am

    Reblogged this on Art share blog.

  3. Minh2010
    March 13, 2012 at 9:01 am

    Thanks!!!!!

  4. aaa
    March 14, 2012 at 12:32 am

    ủa, bác chủ chỉ làm 3 phần thôi hả??

    • March 14, 2012 at 2:01 am

      Phần nói về các công nghệ khác sẽ được tách riêng ra. Bài tiếp theo có thể sẽ nói về Shinkansen.

  5. qhuy
    March 14, 2012 at 1:50 pm

    Thấy t.giả phân tích hay và đúng quá !

  6. Tuan Dang
    March 14, 2012 at 3:36 pm

    Quả thật chỉ những ai học qua kinh tế và đã từng sống một thời gian dài bên Nhật như bạn mới có sự phân tích và tổng hợp khá hợp lý như vậy.

    Không giống như các báo ở VN cứ google rồi lấy đầu heo gắn vô cổ vịt đọc chả thấy logic ở đâu.

    Cám ơn bạn và chờ các bài sau này!

  7. Tuan Thuc
    March 15, 2012 at 12:35 am

    Cảm ơn tác giả, bài viết hay giúp tôi thấy rõ thêm chân lý về tính tự ngã chỉ có thất bại mà thôi. Hy vọng một lần ngã đau giúp họ tiếp tục thành quả như họ đã từng

  8. Anonymous
    March 15, 2012 at 3:16 am

    Bài này rất hay, nhiều điều mà chả có ai bên tinhte viết ra được. Suốt ngày chỉ đưa tin gây tranh cãi cho mọi người không. Chán!

    Chờ đợi các bài viết sau này của bạn. Thanks.

  9. March 15, 2012 at 9:59 am

    Cám ơn tác giả với những bài viết rất hay. Em là một người hâm mộ bản lĩnh và tinh thần Người Nhật (hì, không phải do em sùng ngoại nha) và cũng mong muốn ra trường được sang Nhật học tập và làm việc để được mở mang tầm hiểu biết. Mong cho các hãng công nghệ Nhật sớm trở lại vị trí dẫn đầu.

  10. March 15, 2012 at 12:01 pm

    Bài viết của tác giả rất hay và cụ thể. Mình đã theo dõi bài của bạn liên tục những ngày qua. Càng đọc mình càng vỡ lẽ ra được rất nhiều điều và thêm nể phuc đất nước Nhật Bản. Mình đang cố gắng thực hiện ước mơ được một ngày nào đó sẽ được sang đây học tập để mở mang tầm mắt.
    Bổ sung: Bài của bạn có một số chỗ sai chính tả.Mình có thể bổ sung như: “bế tắc” chứ không phải “bế tắt”,”cẩu thả”->“ẩu thả”,”khắc khe”->”khắt khe”.
    PS:Mong tác giả sẽ có nhiều bài viết hay và chất lượng như thế này nữa.
    Thanks

    • March 15, 2012 at 12:49 pm

      Tối về rảnh mới sửa lại lỗi chính tả mà bạn đã chỉ ra cùng một đoạn ghi sai thông tin.
      Cám ơn đã giúp đỡ.
      Nếu bạn có cơ hội qua Nhật hay bất kỳ nước tiên tiến nào để học tập hay làm việc, một lời khuyên là nên cố gắng tìm hiểu cái hay của người xứ bản địa, đừng quá chú ý xoi mói tới cái dỡ, tệ nạn của họ (trừ khi bạn theo học chuyên ngành xã hội) thì bạn mới thật sự thích xã hội đó và dễ hòa đồng hơn.
      Khi còn ở Nhật, có nhiều bạn bè người Việt của tôi sống cũng lâu, trên 4, 5 năm mà chả ai hòa đồng vào xã hội của họ, mỗi lần gặp mặt nói chuyện toàn là chê cái này cái nọ, khen VN lên tận mây xanh thành ra ai cũng chán sống ở Nhật. Do tôi nghĩ khác, tôi chỉ để ý đến cái xấu, tệ nạn của Nhật để biết mà tránh, còn cái hay của họ thì chỉ khi hòa đồng vào mới có thể khám phá ra được. Tại vì bất kỳ nước nào cũng có mặt xấu và tốt hết.

      • November 9, 2013 at 4:56 am

        Suy nghĩ này của bác em thấy rất hay, em rất đồng tình với bác điểm này! cám ơn bác về bài viết rất bổ ích!
        CafeNovember

  11. aaa
    March 16, 2012 at 3:29 am

    bác chủ ơi, viết tiếp đi bác, em đang chờ bài viết của bác nè

  12. Anonymous
    March 16, 2012 at 3:36 am

    Đã đọc xong cả 3 phần ko bỏ sót 1 chữ.Rất hay,loạt bài đã giúp tớ vá được rất nhiều lỗ hổng về ngành công nghiệp của Nhật cũng như của thế giới.Cám ơn bạn rất là nhiều về loạt bài ý nghĩa này 😀
    Bây giờ thì đã hiểu hơn tại sao mấy hãng điện thoại của Nhật thời gian qua vẫn chỉ tập trung sản xuất cho thị trường nội địa.Hi vọng trong tương lai mấy hãng này sẽ mạnh trở lại khi mà những công nghệ mới với chất lượng vượt trội của họ ra đời,và sẽ ko phạm phải những sai lầm như đối với LG và Samsung trong quá khứ 😀

  13. ngocthu
    March 16, 2012 at 12:57 pm

    minh da doc ba bai cua ban dc mot luot minh thay ban viet rat hay phan giai thich bien luan cung rat tot tuy mot so cho chua dung chinh ta nhung co the la do nham lan. minh cung dang song o Nhat minh cung rat thich phong cach lam viec cua nguoi Nhat .minh thay phan gop y cua ban cho ban than vu nguyen rat hay .minh cung nghi se noi guong ban .tuy minh ko muon o Nhat ( vi minh rat yeu quy dat nuoc minh )nhung minh cung muon trong thoi gian minh lam viec o day minh se hoc hoi dc nhieu thu tu nguoi nhat ,cam on ban

    • March 17, 2012 at 2:54 am

      Hy vọng kim nghiệm quý báu bạn có được khi sống tại Nhật sẽ giúp đỡ nhiều khi bạn quay về nước.

  14. Khôi
    March 16, 2012 at 11:38 pm

    3 phần đều hay hết. Bác làm việc j bên Nhật dzậy. M cũng ước đang phấn đấu qua Nhật học nhàng viễn thông đây!

    • March 17, 2012 at 2:53 am

      Tôi chỉ du học và làm part time thôi, chứ chưa có đi làm việc chính thức. Nhưng hiện tại ở Mỹ chứ không còn ở Nhật nữa.

  15. Lĩnh
    March 17, 2012 at 9:27 am

    Em rất thích những bài viết của anh, bữa giờ đợi bên tinhte hoài 🙂 Cách nhìn nhận đánh giá phải nói là hết sẩy, anh mà làm nhà văn thì chắc em mua hết sách của anh quá :D, hi vọng anh sẽ viết thêm nữa 🙂 chủ đề khác cũng được, em ủng hộ anh hết mình 😀

  16. Việt Quang
    March 18, 2012 at 10:28 am

    cám ơn nhé ! Nói thực bình luận bên này coi hay hơn . Xin bạn cố gắng viết nhiều bài hay hơn nữa để mở mang dân trí .

    • March 18, 2012 at 11:22 am

      Cám ơn. Trong đây đa số thấy mọi người đọc nhằm mục đích để hiểu biết thêm nên không soi mói chọt chọt như bên kia. Ha ha.

      Lần tới sẽ là Shinkansen, đầu tháng tới mới có thời gian viết. Do công nghệ này còn quá mới đối với người Việt Nam nên tôi sẽ giới thiệu tới mọi người.

  17. Brish Tran
    March 18, 2012 at 12:47 pm

    Pác chủ thớt ơi, em đề nghị xuất bản thành sách nhé. Quá hay, nói chung sẽ là cung cấp nhiều kiến thức cho các chuyên gia kinh tế & là bài học cho nhiều người làm kinh tế.

  18. March 21, 2012 at 10:57 pm

    Chào anh, đọc loạt bài của anh tôi thấy rất hay, nó giúp tôi hiểu phần nào về lịch sử các ngành về điện tử, nhất là dân dụng.

    Tuy nhiên tôi xin đưa ra ý kiến ko đồng tình với anh như sau:

    – Tôi ko hề nghĩ rằng việc sản xuất ra các sản phẩm quá tốt làm thị trường của họ chỉ gói gọn ở các thành phần khá giả, nên phân khúc bình dân với thời gian sử dụng 1 sản phầm từ 3-5 năm bị các cty khác như Samsung, LG hay ở TQ, Đài Loan chiếm lấy là do khủng hoảng kinh tế.

    Theo tôi được biết Phú quý sinh lễ nghĩa. Văn hóa các sản phẩm của Hàn Quốc tập trung vào tính mỹ thuật rất cao. Chính việc kinh tế phát phát triển tốt khiến con người sống xa hoa nên mới có ý muốn thay đổi đồ dùng liên tục, coi trọng vẻ bề ngoài. Còn khi kinh tế khó khăn thì ăn chắc, mặc bền mới được đề cao.

    Ngoài ra, khi xưa vòng đời của công nghệ rất dài nên việc sản xuất 1 sản phẩm bền bỉ phù hợp với thị trường, vị thế dù bán ko nhiều nhưng thị phần hàng điện tử của Nhật lan tràn khắp thế giới. Và việc bán hàng chậm chạp ko chỉ riêng họ và ở tất cả các cty khác, sức cạnh tranh của họ ko hề suy giảm.

    Cái khác biệt đến khi các thương hiệu dành cho bình dân đã có tính cạnh tranh hơn khi sản phẩm của họ đưa ra ngày càng tốt hơn, như bạn đã đưa ra VD các cty Hàn Quốc nắm lấy chi tiết kỹ thuật sản xuất của các cty Nhật. 1 bên bán hàng rẻ và ngày càng tốt thì bên bán hàng tốt ko thể đứng yên, họ bắt buộc phải bán hàng rẻ dần. Nếu ko tuân theo quy luật này hay đua theo ko nổi thì sẽ thua, sức cạnh tranh của hàng hóa Nhật suy giảm từ đây.

    Từ đây ta có thể rút ra 2 nguyên nhân chính ngắn gọn:

    1. KHKT phát triển quá nhanh, vòng đời sản phẩm ko thể tồn tại trên 5 năm.
    2. Kinh tế phát triển tốt nên vẻ xa hoa, bề ngoài được tôn sùng. Các đối thủ đã thâm nhập vào thị phần hàng tốt, cao cấp, nâng cao sức cạnh tranh trong khi các cty Nhật đứng yên, sức cạnh tranh bị suy giảm.

    Có 1 người bạn của mình nói: Hàng 2nd hand chỉ dành cho người giàu vì phải liên tục bỏ tiền ra sửa dù giá ban đầu rẻ (Ko khác gì hàng giá rẻ). Còn người nghèo họ chỉ cố dành dùm mua hàng tốt thôi. Nghe thì có vẻ vô lý vì đã bị lớp xa hoa, phù phiếm, suy nghĩ nông cạn che mờ.

    ————————

    Người Mỹ đã từng sai lầm như người Nhật bây giờ khi cho rằng đồ Nhật sẽ ko bao giờ tốt bằng của họ để rồi thất bại. Hiện tại vẫn còn lượng người tiêu dùng thích những chiếc xe tô bành ky, hình dáng cục mịch nhưng bền bỉ hơn mấy xe ẻo lả, nhỏ xíu của Toyota vì nếu khi tông nhau ai còn sống là biết liền :D. Để rồi khi giá xăng dầu lên cao đã khiến họ phải thay đổi rất nhiều.

    Con đường phía trước để các cty Nhật chọn lựa? Theo mình Nhật tương lai sẽ như Mỹ bây giờ, các nước khác như Hàn, TQ, Đài Loan tương lai sẽ như Nhật bây giờ, còn thằng Mỹ thì nói thật ko biết nó tiến tới đâu rồi.

    Gì thì gì luôn luôn là vị trí Mỹ > Nhật > Hàn, TQ v.v…trừ khi 1 cá thể nào đó ko theo được cuộc đua và bị thay thế.

    • March 24, 2012 at 3:53 am

      Tôi không phải chê bai gì Hàn Quốc, bởi họ phải giỏi mới khiến đất nước phát triển như ngày nay. Nhưng, bạn nói [ Văn hóa các sản phẩm của Hàn Quốc tập trung vào tính mỹ thuật rất cao] thì tôi không đồng ý. Bởi tính mỹ thuật của người Hàn thua rất xa so với Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Cái đặc trưng của mỹ thuật Hàn Quốc là màu sắc sặc sỡ chứ không phải là kỹ thuật.
      Như trong bài tôi đã nói, Nhật bị tuột dốc không phải nguyên nhân kỹ thuật của họ thua kém ai, mà là do cách kinh doanh của họ không còn phù hợp với thời này. Những mặt hàng tinh hoa của họ cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật chỉ nằm trong thị trường cao cấp chứ không còn nằm ở phân khúc trung hay thấp nữa. Chính vì vậy họ hoàn toàn thua thiệt ở 2 thị trường này bởi chất lượng không hơn nhưng giá cả lại hơn.
      Bạn sẽ giật mình nếu biết rằng bộ phận R&D của Samsung và LG đều sử dụng máy móc của Nhật để nghiên cứu ra các sản phẩm của họ chứ không như Nhật hay châu Âu chỉ dùng đồ nước mình để làm ra sản phẩm của nước họ.
      Nói chung là chừng nào tình hình kinh tế thế giới còn chưa cải thiện thì đồ điện của Nhật sẽ còn chậm bán như hiện tại.

      • leminhhoang_ly7930
        March 24, 2012 at 12:18 pm

        Bàn về vấn đề mĩ thuật và kĩ thuật, tôi nhắc lại tôi không phải là người quá hâm mộ Nhật Bản. Tôi đang học thiết kế và kiến trúc ở Châu âu, nói thật là Hàn quốc ko thể xếp ngang hàng với Nhật Bản về design, số lượng lớn những nghệ sĩ tạo hình đương đại người Nhật Bản bao gồm cả thiết kế công nghiệp máy móc và thiết bị quá nổi tiếng trên thế giới, riêng về lĩnh vực thiết kế kiến trúc, người Nhật có 6 kts đạt giải thưởng Priztker được coi như Nobel của kiến trúc, xếp sau Mỹ và ngang với Anh quốc, vượt xa cả Italia và Pháp, Hàn quốc chưa có 1 người nào như vậy. Có được điều này 1 phần do họ thừa hưởng từ nền đồ họa truyền thống rất đặc thù, ngay cả rất nhiều các nghệ sĩ,kts lớn trên thế giới đều bị ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, thứ 2 là tính triết lí rất rõ rệt, có các tính riêng biệt trong các thiết kế của họ, cũng được hình thành do truyền thống cá tính con người Nhật Bản.

  19. leminhhoang
    March 22, 2012 at 7:45 pm

    Tôi thực sự rất thích chuỗi bài viết này, cảm ơn tác giả rất nhiều đã giành thời gian giới thiệu đến mọi người.
    Tôi đã theo dõi bài viết từ bên tinhte.com (account ly7930) , như tôi đã từng đề cập, tác giả có thể mở rộng thêm chủ đề 1 chút, sang các lĩnh vực công nghệ khác như xây dựng, kiến trúc,… mọi người có thể tham gia nhiều hơn. Tôi cũng có hiểu biết phần nào về công nghệ xây dựng Nhật Bản khá thú vị, có cả những mặt ưu điểm và nhược điểm, cũng như có khá nhiều điểm tương đồng về công nghệ điện tử như trên bài viết của tác giả. Nếu có 1 topic riêng về chủ đề này thì thích hợp hơn, tôi sẽ cố gắng giành thời gian viết bài tham gia.

  20. leminhhoang_ly7930
    March 22, 2012 at 7:58 pm

    Bổ sung thêm 1 chi tiết, trong mối quan hệ giữa Thái Lan và Nhật Bản. Nếu mọi người có dịp du lịch sang Thái Lan, đều có thể dễ dàng nhận thấy rằng cơ sở hạ tầng, giao thông đường xá của nước bạn khá tốt, hoàn thiện tương đồng với Nhật Bản. Bên cạnh đó đa số các phương tiện tham gia giao thông ở nước này như oto xe máy, đều có nguồn gốc từ Nhật Bản như Toyota, Honda,v…v… rất hiếm thấy các hãng khác từ phương tây và Mỹ. Lí do của việc này theo tôi được biết trong thập kỉ 50, 60 ngoài hỗ trợ của Mỹ chính phủ Thái Lan đã có 1 thỏa thuận với Nhật Bản, trong đó Nhật Bản sẽ hỗ trợ toàn bộ cho Thái Lan xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở, đổi lại họ sẽ được ưu tiên xuất khẩu các phương tiện giao thông vận tải vào nước này. đây cũng là 1 bước đi khá hiệu quả, người Nhật cho rằng trước khi làm cái xe để đi lại, thì phải làm con đường cho nó chạy trên đó trước… kết quả đạt được khá tốt ở Thái Lan.

    • March 24, 2012 at 4:00 am

      Thái Lan nhờ chiến lược du lịch cực kỳ thành công mà giúp đất nước họ phát triển như vậy. Người Nhật đã giúp họ thông qua ODA rất nhiều, và đối với người Thái thì Nhật là nước được họ nể trọng nhất, tuy ODA xuất phát lợi ích riêng của 2 bên.
      Trong khi nhiều người Việt cứ hỡ ra là “ngày xưa vì Nhật mà chúng ta chết đói”, trong khi hiện tại nhiều công trình giao thông quan trọng đều do Nhật xây. Việt Nam nếu vẫn còn các tư tưởng “ngày xưa” mà không nhìn vào thực tế và tuơng lai thì không bao giờ khá nổi.

      • leminhhoang_ly7930
        March 24, 2012 at 12:00 pm

        Tôi cũng đồng í với tg về điều này, bản thân tôi không phải là người quá cuồng nhiệt, hâm mộ Nhật Bản. Tôi quan sát từ 1 bên thứ 3 là tại Châu âu, không phải từ Việt Nam hay ở Nhật Bản, tôi có thể nhắc lại nhiều người Châu âu so sánh vui người Nhật là người đức trong thân hình châu á, nhưng theo tôi nghĩ không hoàn toàn chính xác, vì họ còn đạt được nhiều thành tựu và có đậm đặc nét văn hóa riêng.

  21. DanielTran
    March 23, 2012 at 8:05 am

    Rất mong đợi đề tài tiếp theo của bạn, Shinkansen! được biết chi phí giao thông ở Nhật rất đắt. Hy vọng bạn không chỉ đề cập về công nghệ Shinkansen mà còn mở rộng ra về cách thức tổ chức giao thông của người Nhật, các loại hình giao thông, cùng với một số đặc điểm thú vị riêng có ở Nhật.

  22. March 24, 2012 at 1:14 pm

    leminhhoang_ly7930 :

    Tôi cũng đồng í với tg về điều này, bản thân tôi không phải là người quá cuồng nhiệt, hâm mộ Nhật Bản. Tôi quan sát từ 1 bên thứ 3 là tại Châu âu, không phải từ Việt Nam hay ở Nhật Bản, tôi có thể nhắc lại nhiều người Châu âu so sánh vui người Nhật là người đức trong thân hình châu á, nhưng theo tôi nghĩ không hoàn toàn chính xác, vì họ còn đạt được nhiều thành tựu và có đậm đặc nét văn hóa riêng.

    Đồng ý với bạn. Nhưng hiện tại có quá ít người Việt chịu chấp nhận học hỏi mà cứ soi mói cái xấu của người ta để chê bai. Hy vọng người Việt tại Việt Nam bỏ dần cái tính này thì mới khá hơn.

  23. DanielTran
    March 25, 2012 at 2:04 am

    Bạn Lê Minh Hoàng có blog không vậy? mình cũng rất mong đọc được những bài viết của bạn về xây dựng và kiến trúc Nhật Bản. Thông tin bạn viết có 6 người Nhật được giải Priztker rất thú vị.

    • leminhhoang_ly7930
      March 25, 2012 at 11:47 am

      Tôi không có blog, nhưng có nhiều tài liệu từ thời sinh viên về lĩnh vực này. đợt tới có thời gian tôi sẽ thu xếp để viết bài hoặc chia sẻ thông tin nếu bạn muốn.

      • leminhhoang_ly7930
        March 25, 2012 at 11:53 am

        Tôi xác nhận lại là 5 kts Nhật Bản đạt được giải thưởng này, nhưng số lượng những người có khả năng tương đương mà chưa nhận được giải thì khá nhiều.

  24. DanielTran
    March 25, 2012 at 2:13 am

    Đồng ý với bạn. Nhưng hiện tại có quá ít người Việt chịu chấp nhận học hỏi mà cứ soi mói cái xấu của người ta để chê bai. Hy vọng người Việt tại Việt Nam bỏ dần cái tính này thì mới khá hơn.

    Bạn chủ blog, mình nên gọi bạn là Aikoku hay là Fujisaki nhỉ? Lý do nào bạn chọn 2 cái tên này, nếu được giải thích ra chắc cũng là những câu chuyện hấp dẫn! Những người Việt soi mói như bạn thấy, mình nghĩ đa phần là những người đã bị tẩy não từ nhỏ, khả năng nhận thức của họ bị đóng khung nên không thể phân tích so sánh lý giải những gì đi ngược lại cái khung nhân sinh quan chật hẹp đã có. Còn trên diễn đàn, rất nhiều những người này mình đánh giá họ chưa từng đi ra nước ngoài, hoặc chỉ là những chuyến đi ngắn cưỡi ngựa xem hoa. Họ mang nặng mặc cảm tự ti nên phải chê bai để quân bình lại sự chênh lệch giữa hiện thực và nhận thức của họ.

    • Lĩnh
      April 2, 2012 at 10:08 am

      Em xin lỗi nếu có nói gì sai. Anh nói “đa phần là những người đã bị tẩy não từ nhỏ…”, có phần hơi bị tiêu cực, bản thân em cũng là người có xuất thân từ những người Cộng Sản, em cũng không đi được đâu ngoài cái tổ cú của mình, nhưng ít ra em cũng có nhận thức 🙂 cũng biết xã hội Việt Nam hiện nay có nhiều thứ đáng trách… em xin không nói thêm nữa về vấn đề này :), em mong anh hãy thử suy nghĩ thoáng hơn trong mọi vấn đề, nếu nhìn nhận mọi việc từ nhiều hướng khác nhau thì em nghĩ chúng ta cũng có nhiều điểm chung lắm :).

      • DanielTran
        April 5, 2012 at 8:56 am

        Xin lỗi bạn, mình nghĩ khi bạn viết được những lời lẽ ôn hòa như vậy, bạn là người có suy nghĩ độc lập. Từ đó suy ra bạn chắc không thuộc nhóm người soi mói mà mình phê phán ở trên.

      • DanielTran
        April 6, 2012 at 2:17 am

        Bài báo của Thảo Phương “HDV du lịch nói xấu đồng bào” trên báo Tuổi Trẻ mới gần đây là ví dụ điển hình cho lối tư duy của nhóm người bị tẩy não đó bạn.

      • linhloco
        April 6, 2012 at 10:44 am

        Em xem qua bài báo và cũng chả có bình luận gì, đúng hay sai thì ai cũng có phán xét riêng của mình :). Thôi nói về 3 cái thứ nhức đầu trên nha anh, bàn thêm không phù hợp với nội dung của bài viết. Em chỉ mong anh aikoku sớm ra bài thôi, đợt này đầu tư bài viết hơi bị lâu, chắc cỡ tầm bom tấn quá :))

  25. DanielTran
    March 26, 2012 at 3:47 am

    http://dantri.com.vn/c76/s76-578776/cac-dai-gia-dien-tu-nhat-ban-chet-mon-vi-dau.htm

    (Dân trí) – Từ chỗ là ông lớn trên thị trường điện tử thế giới, các “đại gia” công nghệ Nhật Bản như Sony, Sharp…đang ngày càng hụt hơi trong cuộc đua với các đối thủ từ Hàn Quốc, Đức. Điều gì đang xảy ra với họ?

  26. Nguyen Phuc
    March 27, 2012 at 8:05 pm

    Mình có một vấn đề về kinh tế mong bạn giải thích:

    1- Tại sao người Trung Quốc vẫn có thể giữ được giá trị đồng “yuan” ở mức thấp mặc dù theo mình biết những nước phương Tây đã gây áp lực rất lớn để khiên chính phủ TQ tăng giá. Bạn có thể nói rõ hơn về cách EU hay US đã gây áp lực như thế nào lên TQ.

    2-Trong một bài trả lời bên tinhte, bạn đã nói về việc ngân hàng thế giới và nhóm ngân hàng trung ương các nước nhóm họp để quyết định giá trị một đồng tiền. Nhưng mình nghĩ phải có 1 tổ chức hay nhóm người nào đó đưa ra mức tăng hay giảm của một đồng tiền. Vì đồng tiền luân chuyển hàng ngày, hàng giờ, không lẽ lúc nào cũng phải tổ chức họp để quyết định về việc đó.

    Mong bạn giải thích giúp mình.
    Thank you

    • March 28, 2012 at 1:55 am

      Trung Quốc mới gia nhập WTO gần đây, kinh tế của họ chỉ mới nổi lên trong khoảng 10 năm nay nên đồng tiền của Trung Quốc chỉ mang ý nghĩa đối với xuất khẩu của các nước có nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc. Còn trong giao dịch quốc tế thì chỉ duy nhất 3 loại đồng tiền được chấp nhận là $ € và ¥.
      2, 3 năm trước Mỹ và EU yêu cầu Trung Quốc phải điều chỉnh đồng yuan theo đúng với giá trị của nó, do tại thời điểm đó Mỹ và châu Âu đều khủng hoảng kinh tế dẫn đến giá $ và € giảm nhanh chóng. Nhưng Trung Quốc không hề gặp khủng hoảng mà xuất khẩu tăng đều đều, tăng trưởng kinh tế trên 5%, nhưng chính quyền Hồ Cẩm Đào nhất quyết không chỉnh giá đồng yuan đúng với giá trị thực, mà họ cố tình giảm đồng yuan yếu ngang hàng với $ và € nhằm giúp xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh với cái giá có lợi nhất. Chắc không cần nói thêm, bạn cũng biết Trung Quốc là nước chưa bao giờ tuân thủ theo luật pháp quốc tế trong mọi vấn đề, do đó mặc cho Mỹ và EU nói gì, họ vẫn để đồng yuan cực thấp. Tuy gây áp lực bằng việc giảm nhập khẩu hay đưa vấn đề ra ngân hàng quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn làm ngơ cho đến tận năm ngoái họ mới chịu chỉnh lại đồng yuan “một chút” so với yêu cầu của phía Mỹ và EU.

      Tỷ giá đồng tiền tăng giảm hằng ngày lệ thuộc vào stock và forex rất nhiều. Việc nhóm họp các ngân hàng để điều chỉnh tỷ giá chỉ xảy ra khi có biến động gì đó trên thế giới thôi. Chẳng hạn như Mỹ tuyên bố sẽ in thêm 1000 tỷ $ chẳng hạn, lúc đó tỷ giá của $ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với lượng $ mới được in 5. Tương tự với ¥ và €. Còn tỷ giá tăng giảm hằng ngày của mỗi nước giống như việc tăng giảm của stock.

  27. Bui Anh Thao
    March 28, 2012 at 11:21 pm

    Chào anh, em là sinh viên năm 4, em đang làm khóa luận tốt nghiệp với đề tài: ” chiến lược thị trường ngách của Sony”. Em định viết về các sản phẩm ngách của Sony từ lúc bắt đầu vào Việt Nam , cho đến khi phát triển và được ưa chuộng như thế nào. Em đã đọc các bài viết của anh, và thấy anh rất am hiểu về Sony. Vậy anh có thể cho em biết 1 số thông tin về Sony khi gia nhập vào Việt Nam, cũng như 1 số sản phẩm ngách của nó được không ạ?
    Em cảm ơn anh nhiều ạ !

    • March 30, 2012 at 12:43 am

      Chào bạn.
      Rất tiếc là tôi chỉ hiểu rõ vấn đề của Sony tại Nhật và Mỹ. Vấn đề niche market của Sony tại Việt Nam thì chắc bạn nên tham khảo trang web Sony VN xem sao.
      Tôi chỉ biết thời điểm Sony bán hàng chính thức tại Việt Nam với tivi Trinitron và đầu VHS tại Sài Gòn thì khoảng hơn 5 năm trước đó các mặt hàng tivi, máy cassette, CD… của Sony đã thâm nhập qua đường xách tay, và những sản phẩm ban đầu đó chủ yếu là dân khá giả và giàu có mới dám sở hữu. Sau khi Sony xây nhà máy tại VN thì thị trường lúc đó có 2 loại hàng: hàng bình dân là những sản phẩm sản xuất trong nước; hàng cao cấp là các sản phẩm cùng chất lượng với Mỹ và EU được nhập từ các nhà máy tại Nhật hay Malaysia. Lý do Sony vẫn được lòng người dùng cao cấp kể cả Việt Nam hay Mỹ, Nhật, EU là bởi sản phẩm cao cấp sản xuất tại Nhật của họ cho đến hiện tại vẫn thuộc dạng tốt nhất so với các hãng khác. Nhưng thị phần cao cấp này chỉ chiếm rất ít so với khá, trung bình và rẻ nên bao năm qua Sony chưa tìm được cách cạnh tranh giá cả so với Samsung hay LG ở những thị trường phổ thông này.

      • Bui Anh Thao
        April 12, 2012 at 10:18 pm

        Chào anh, sau khi đã hỏi số liệu và tình hình kinh doanh từ công ty Việt Nam, thì em có 1 thắc mắc, không biết anh đã tìm hiểu về điều này chưa? nếu có thế, mong anh giải đáp giúp em ạ.
        Sony VIệt Nam không phân phối mặt hàng điện thoại cho Sony, nhưng trên thị trường Việt Nam, điện thoại của Sony vẫn đang được bán rất nhiều và tiêu thụ cũng khá nhiều. Vậy không hiểu tại sao Sony lại không cho Sony VIệt Nam phân phối mặt hàng điện thoại mà lại trực tiếp phân phối qua các đại lý? điều này không phải làm cho Sony khó kiếm soát hơn việc phân phối điện thoại sao?
        Cảm ơn anh nhiều ạ !

  28. Anonymous
    March 31, 2012 at 1:58 am

    Mặc dù các bài viết của anh kết thúc ở phần 3 nhưng em vẫn mong anh viết tiếp phần thứ tư hoặc mở một chủ đề khác. Thời điểm hiện tại có rất nhiều trang web định hướng dành cho giới trẻ Việt Nam nhưng những trang thực sự có giá trị thì quá ít. Đáng buồn cho những trang như kênh 14 lại được mọi người quan tâm và hưởng ứng.
    Một lần nữa em mong chờ các bài viết khác của anh. Xin cảm ơn và chúc anh mạnh khỏe.

  29. April 16, 2012 at 7:49 am

    Bui Anh Thao :

    Chào anh, sau khi đã hỏi số liệu và tình hình kinh doanh từ công ty Việt Nam, thì em có 1 thắc mắc, không biết anh đã tìm hiểu về điều này chưa? nếu có thế, mong anh giải đáp giúp em ạ.
    Sony VIệt Nam không phân phối mặt hàng điện thoại cho Sony, nhưng trên thị trường Việt Nam, điện thoại của Sony vẫn đang được bán rất nhiều và tiêu thụ cũng khá nhiều. Vậy không hiểu tại sao Sony lại không cho Sony VIệt Nam phân phối mặt hàng điện thoại mà lại trực tiếp phân phối qua các đại lý? điều này không phải làm cho Sony khó kiếm soát hơn việc phân phối điện thoại sao?
    Cảm ơn anh nhiều ạ !

    Sony VN không phân phối smartphone bởi lý do:
    – Sony Corp. và Sony Ericsson là 2 công ty độc lập. Ngay cả tại Nhật thì smartphone của Sony cũng chỉ được phân phối qua nhà mạng, chứ trang bán hàng trực tuyến của Sony cũng không bán. Do đó Sony Ericsson chỉ phân phối sản phẩm cho nhà mạng chính của VN mà không thông qua Sony VN.
    – Chi nhánh của Sony rải khằp các nước, tùy theo quốc gia mà có một số sản phẩm không được phân phối chính hãng. Như Bravia do Sony VN bán ra cũng chỉ một số model nhất định chứ không phải toàn bộ.

    Tôi không chắc ngoài lý do trên thì còn nguyên nhân nào khác hay không.

  30. Trish Trần
    April 22, 2012 at 5:21 am

    em chào anh, em đã đọc qua hết 3 phần về loạt bài viết này và cảm nhận được anh rất am hiểu về Sony, em có thắc mắc này mong anh giải đáp giúp em….em được biết là hầu như các tập đoàn lớn đều có cách chuyển giá (transfer pricing) nhằm mục đích giảm số tiền đóng thuế, tăng lợi nhuận. Anh có thể nói cho em biết về các phương thức chuyển giá của tập đoàn Sony không ạ. Em xin cám ơn 🙂

    • April 23, 2012 at 3:44 am

      Rất tiếc nhưng vấn đề bạn hỏi không nằm trong lĩnh vực thông thạo của tôi nên tôi không thể trả lơi bạn được.
      Vấn đề transfer pricing tôi chỉ học sơ qua khi còn bên Nhật nên hiện tại có thể nói chỉ biết rất mơ hồ, nên không dám nói bậy bạ để tránh đưa tin sai lệch.

      • Trish Trần
        April 23, 2012 at 4:23 am

        giữa cuối thập nhiên 80, khi Sony thành lập các nhà máy sản xuất và lắp ráp ở nước ngoài thì mình thắc mắc là những nhà máy này lắp ráp thành thành phẩm luôn hay là chỉ lắp ráp từng phần rồi được chuyển về Nhật để làm ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh rồi từ đó Nhật xuất bán ra các nước khác ????

  31. April 23, 2012 at 5:22 am

    Trish Trần :

    giữa cuối thập nhiên 80, khi Sony thành lập các nhà máy sản xuất và lắp ráp ở nước ngoài thì mình thắc mắc là những nhà máy này lắp ráp thành thành phẩm luôn hay là chỉ lắp ráp từng phần rồi được chuyển về Nhật để làm ra 1 sản phẩm hoàn chỉnh rồi từ đó Nhật xuất bán ra các nước khác ????

    Sony kể từ trước thập niên 80 thì gần như 100% mọi linh kiện kể cả ốc vít đều làm tại Nhật. Sang thập niên 80 thì một số bộ phận không quan trọng được sản xuất ở nước ngoài rồi nhập về Nhật và lắp ráp tại đây. Sang đến thập niên 90 thì những bộ phận quan trọng vẫn được làm tại Nhật rồi gởi sang các nhà máy sản xuất và lắp ráp Sony tại Malaysia, Thailand và Trung Quốc. Bạn yên tâm là các công ty Nhật và Mỹ trong lĩnh vực điện tử phân biệt rất rõ Made in… Không có chuyện Made in Japan hay USA mà lắp ráp bên ngoài hai nước này.

    • Trish Trần
      April 23, 2012 at 9:49 pm

      cảm ơn bạn 🙂

  32. Linh
    May 4, 2012 at 3:03 pm

    Bỏ chuyện này qua 1 bên, có 1 cái NB vẫn đang làm rất tốt, đó là việc quảng bá văn hóa NB ra thế giới, thông qua phim điện ảnh, phim truyền hình, hoạt hình… Tạo ra nhiều trào lưu cho giới trẻ, nó khiến nh ng yêu mến đất nước NB hơn, muốn tìm hiểu kĩ hơn về NB. Tôi cũng vì thế mà tìm đọc hết cả 3 phần nói về những ng khổng lồ trong ngành CN NB, và sẽ theo dõi tiếp nh bài viết của t/g sau này… Đọc hết rồi mới thấy đáng với thời gian bỏ ra.
    Cám ơn những bài viết đầy tâm huyết của bác.

  33. I_love_Japan
    May 27, 2012 at 5:10 am

    Chào bạn, phân tích và nhận định của bạn thật tuyệt vời. Cho phép tôi bổ sung thêm là còn có các nguyên nhân khác khiến Nhật “thua” trong cuộc cạnh tranh với người Mỹ, Hàn và Đức (chỉ nói sau năm 1997), đó là văn hóa Nhật cản trở sự thay đổi, khi kinh tế thế giới chuyển mình sang kinh tế tri thức, sáng tạo (xuất phát từ Mỹ, lan sang HQ, Đài Loan, TQ, Anh, Đức, Hà Lan,.. và Nhật), nhưng các thể chế Anglo Saxon hoặc chịu ảnh hưởng tỏ ra có ưu thế hơn hẳn, vì bản chất của sáng tạo trước hết là tự do cá nhân, cá tính, giảm bớt thứ bậc để có thể phát biểu/phát triển ý kiến tốt hơn. Văn hóa tập thể và thứ bậc của Nhật tỏ ra có nhiều nhược điểm trong vấn đề này. Hơn nữa, Mỹ có các thể chế tư bản (quỹ đầu tư, định chế tài chính…) rất phát triển, tư tưởng Open, sẵn sàng rót vốn vào các ý tưởng mới, tiềm năng, “nuôi nấng” các công ty này đến lúc nó trưởng thành, đi “quậy” thị trường thế giới (VD: Facebook, Google, Intel, Nvidia, GM sau cải tổ – after 2010…). Văn hóa doanh nghiệp Nhật tỏ ra cứng nhắc, họ chú trọng vào Kaizen (cải tiến từng bước, ko có nhiều đột phá) và Toyota Production System (hiệu quả sx), nhưng hy sinh, phải nói là hy sinh quá nhiều nguồn lực để làm những điều nhỏ nhặt sẽ khiến ko đủ nguồn lực làm những cuộc cách mạng. Công tác quản lý nhân lực của Nhật cũng góp phần, do ảnh hưởng bởi văn hóa, người Nhật chú trọng thực hành, không đề cao tri thức bằng (nhấn mạnh là chữ Bằng), dẫn đến ko coi trọng bằng cấp cao khi tuyển dụng và ko có chính sách phát triển nguồn lực bằng cách cho nhiều nhân viên đi đào tạo sau đại học, nếu có thì chỉ học quản lý và tầng lớp quản lý được hưởng chính sách này, trong khi các công ty Mỹ, Hàn, Đức, Anh, Singapore thì chú trọng mảng này. Cần nhấn mạnh thêm là thực học chứ ko phải loại mua bằng cấp như ở…
    Các trường đại học Nhật (sau lưng là chính phủ) ko đào tạo nhiều học viên sau đại học như Mỹ, Châu Âu, còn Hàn Quốc, Đài Loan và bây giờ là TQ thì gửi người đi đào tạo nhiều

    Một nguyên nhân khác góp phần làm Nhật bại trận trong cuộc chiến công nghệ, kinh tế tri thức vào thời điểm này (đầu thế kỷ 21) là dân số Nhật ngày càng già, tỷ lệ người già quá cao gây gánh nặng cho chính phủ, tuổi bình quân trong công ty cũng cao, dẫn đến ko còn sức trẻ để/cho những quyết định mang tính đột phá, tư tưởng ko thoáng (open)

    Một nguyên nhân khác nữa là số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tại Nhật ít hơn hẳn so với phương Mỹ, do văn hóa và do tình hình khó khăn hiện tại, và Nhật thiếu hẳn các định chế tài chính mà tôi đã nói ở phần trước

    Thiên tai cũng góp phần cản trở sự phục hồi

    Nếu bạn có hứng thú với cách phân tích của tôi, thì e-mail cho tôi nhé, nhất là chủ để là thế nào để phục hưng lại Nhật Bản.

    Ghi chú: tôi là fan của Nhật, Mỹ và Đức, Singapore

    • May 29, 2012 at 3:17 pm

      Thanks bạn. Bạn nói khá đúng những khó khăn mà Nhật đang mắc phải. Thực chất giới trung niên từ 50 tuổi trở xuống của Nhật hiện tại có tư tưởng khá open chứ không còn cứng đầu như xưa. Chẳng qua Nhật rơi vào tình trạng ngành điện tử bị lung lay như ngày nay chủ yếu vẫn do người tiêu dùng Nhật Bản không còn chịu chơi như xưa. Ngoài ra trong xã hội Nhật, các ngành thực phẩm, xa xí phẩm(không bao gồm điện tử) và dịch vụ phát triển rất mạnh trong 15 năm trở lại đây. Nếu như 15 trở về trước, người Nhật còn thoải mái chi tiền cho máy móc gia dụng, thì hiện tại họ không chú trọng chi tiêu cho lĩnh vực này, mà thời trang và dịch vụ lại là nguồn chi tiêu chính của giới trẻ Nhật Bản ngày nay. Theo tôi biết ngày xưa một nhân viên văn phòng sẵn sàng chịu chi 1, 2 tháng lương cho một món đồ điện tử, còn hiện tại thì túi LV, Hèrmes mới là những món đồ mà giới trẻ hay trung niên chịu chi. Cũng một phần bởi người Nhật hiện tại đã sở hữu hầu hết điện gia dụng trong nhà, do đó nhu cầu mua đồ mới của họ giảm đáng kể so với 10, 20 năm về trước.
      Do bài này tôi chỉ khắc sâu về khía cạnh đồ điện tử của Nhật, nên có nhiều vấn đề liên quan khác trong xã hội nước này mà tôi không đề cập kỹ trong bài này. Nếu như có lúc nào đó tôi viết đề tài về xã hội kinh tế Nhật thì rất hoan nghênh bạn vào đây cùng trao đổi để học hỏi qua lại với nhau.
      Rất cám ơn comment với nhiều thông tin khá chính xác của bạn.

  34. September 29, 2012 at 12:32 pm

    Cho mình xin copy bài viết quá hay này về forum này nhé http://zagvillage.org/forum/forum.php. Cám ơn bác nhiều

  35. co dai
  36. October 17, 2012 at 2:28 am

    Đầu tiên phải nói là em rất ấn tượng và thán phúc về kiến thức, góc nhìn, cách phân tích của anh. Em cũng cảm ơn anh, qua bài viết em có thể hiểu rõ về một giai đoạn quan trọng của sự phát triển công nghệ thế giới, và nhiều kiến thức, vấn đề của mình được sáng tỏ.
    Chúc anh sức khỏe và sẽ có nhiều bài viết hay nữa!

  37. November 30, 2012 at 3:45 am

    Bài viết bạn tổng hợp lại rất hay. Giúp người đọc có được cái nhìn tổng quan về nhật. Đánh giá đúng đến đâu, sai đến đâu mỗi người sẽ tự có cách để có thêm hiểu biết cho mỗi người.

    PS: Rất vui khi vào blog bạn… Hy vọng có thể kết bạn với bạn, để có thêm nhiều thông tin về Nhật Bản. Chào ban.

  38. Trung Nguyen
    December 12, 2012 at 10:36 am

    Cam ơn bạn về loạt bài viết rất hay này. Mình đang làm đề tài “Critically evaluate the ‘One Sony’ strategy effective from April 2012” Bạn giúp mình một số ý kiến của bạn nha. Cám ơn bạn rất nhiều. Bạn gửi ý kiến của bạn vào email của mình nha. thanks very much
    Trung Nguyen
     

  39. February 11, 2013 at 9:46 pm

    Ở Viêt Nam người nói thì rất giỏi, điều này thấy rõ trong các comment bên tinh tế. Hãy thành công vang dội một thời như Sony đi thì mới được phép chê bai các công ty Nhật. Cám ơn tác giả rất nhiều, bài viết quá tuyệt vời, đáng để mọi người học hỏi

  40. Baoking97
    March 3, 2013 at 11:11 am

    cảm ơn tác giả , bài viết rất hay, hi vọng các bạn trẻ cũng có suy nghĩ như các nhà sáng lập sony giúp cho Vn cất cánh, chứ cứ mở miệng là chê vn thế này , vn thế nọ mà chẳng có hành động gì thiết thực

  41. cob_hc
    March 4, 2013 at 12:16 pm

    Anh ơi về việc đồng Yuan của TQ ko chịu điều chỉnh thấp xuống, có ý kiến cho rằng bởi vì TQ đang sở hữu kho dự trữ ngoại hối đồng US rất lớn nên khi đánh thấp giá trị đồng tiền của mình xuống họ sẽ lỗ. Thứ hai nữa họ đang là chủ nợ lớn của Mỹ, khi giá trị đồng tiền của họ bị định giá thấp hơn USD nghĩa là Mỹ sẽ phải trả ít USD hơn.

    Anh nghĩ thế nào về ý kiến này. Mong câu trả lời của anh

    • March 5, 2013 at 6:00 am

      Cám ơn bạn. Những điều bạn nói hình như bị ngược. Trung Quốc lúc năm 2008-2010 không chịu nâng giá đồng yuan của họ, mà cố tình hạ giá xuống thấp hơn $ và €, trong khi kinh tế của họ không bị khủng hoảng.

      Đúng là Trung Quốc giữ đồng $ rất nhiều, cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nhưng họ vẫn khăng khăng hạ thấp đồng yuan tương ứng với $ và € trước thời điểm khủng hoảng, điều này tuy không có lợi cho kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, nhưng lại giúp toàn bộ kinh tế của Trung Quốc tăng trưởng liên tục 2 con số mà không bị tác động bởi Mỹ và EU.

      Tại sao các nước khác gặp vấn đề về xuất khẩu, chỉ có Trung Quốc vẫn tăng đều đều? Bởi khi khủng hoảng xảy ra, hàng hoá của Trung Quốc là mặt hàng bán chạy nhất, đồng yuan yếu chính là yếu tố then chốt đánh bại mọi mặt hàng của các nước khác khi mà người dân phải tiết kiệm chi tiêu tối đa.

      Do đó so sánh với việc sợ lỗ của kho ngoại hối, thì Trung Quốc đã chọn cách làm này. Tất nhiên là nó vi phạm với điều lệ của hiệp hội ngân hàng và tiền tệ quốc tế, vì chính phủ đã can thiệp vào sự tự do của tiền tệ quốc tế.

      Gần đây bạn để ý thấy chính phủ của Abe Shinjo đã chủ động yêu cầu ngân hàng Trung Ương Nhật Bản bơm tiền vô nhằm làm đồng ¥ yếu đi, kết quả là đã giúp các công ty của Nhật giảm thua lỗ rất nhiều. Ngay lập tức Mỹ và EU đã can thiệp và yêu cầu chính phủ Nhật không được can thiệp sâu vào thị trường tiền tệ, vì nó sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại sự tự do sẽ biến mất. Tuy nhiên mục đích chính thì chỉ là vì lợi ích của riêng Mỹ hay EU, vì đồng ¥ giảm đồng nghĩa với việc hàng hoá của Mỹ và châu Âu sẽ gặp bất lợi so với hàng hoá của Nhật. Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng tương tự, do nếu đồng ¥ xuống mức 98-100¥ ăn 1$ thì hàng điện tử của Nhật sẽ gần bằng hay thậm chí cùng giá với hàng của Hàn Quốc, một việc mà Samsung hay Huyndai không hề mong muốn.

      • cob_hc
        March 5, 2013 at 10:05 am

        à vâng em nhầm tí, ý em làm TQ quyết ko nâng giá để tránh lỗ :). cảm ơn anh 🙂

  42. mario
    March 4, 2013 at 12:33 pm

    bài viết hay, mong là sẽ có thêm nhiều bài về nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác. Cám ơn tác giả.

  43. March 4, 2013 at 12:35 pm

    mario :
    bài viết hay, mong là sẽ có thêm nhiều bài về nhiều khía cạnh và lĩnh vực khác. Cám ơn tác giả.

  44. March 4, 2013 at 3:09 pm

    Mong sẽ đọc được những bài mới từ tác giả về các nước phát triển + TQ. Mình rất thích chủ đề này.
    Xin cảm ơn tác giả rất nhiều.

  45. Tuan
    March 12, 2013 at 11:13 pm

    Bài viết của bạn rất hay và mình cũng thấy ý bạn nói 1 trong những nguyên nhân thất bại của công ty Nhật là việc xu hướng tiêu dùng thay đổi từ các mặt hàng bền cao cấp chất lượng cao đắt đỏ sang mặt hàng chất lượng gần bằng, độ bền thấp hơn nhưng giá rẻ là khá hợp lý. Tuy nhiên nếu bạn nhìn vào 1 ví dụ là Apple thì không hẳn như vậy. Apple là công ty chuyên sản xuất phần cứng chất lượng cao, thiết kế đẹp, và giá đắt hơn hẳn so với các sản phẩm cùng loại của các hãng khác ( phương châm khá giống Sony hồi xưa) thế nhưng thị phần của họ không hề nhỏ tí nào ( iPhone, Ipad đều đứng đầu thị trường, Mac cũng cực kỳ phổ biến trong giới sinh viên Mỹ). Apple thậm chí còn là công ty có giá trị lớn nhất thế giới, hơn cả Exxon Mobil, có hàng tỉ usd tiền mặt dự trữ. Họ làm được điều này hoàn toàn nhờ bán sản phẩm phần cứng lợi nhuận cao, điều mà công ty Nhật như Sony khao khát. Apple thành công với differentation strategy của họ. Các công ty TQ, HQ theo đuổi cost strategy, Nhật theo đuổi differentiation strategy. Lý do các công ty Nhật bị suy yếu là vì differentiation strategy của họ bị thất bại. Lấy ví dụ Sony khi tung ra PS3 có giá đắt hơn hẳn XBox 360. PS3 tuy phần cứng có tốt hơn Xbox 360 nhưng điều này ko hề được nhận thức hoặc coi trọng bởi người tiêu dùng cũng như các nhà phát triển game. Mặc dù đắt hơn nhưng PS3 hoàn toàn ko có chút lợi thế differentation nào so với Xbox cho nên ko thể cạnh tranh nổi ở Bắc Mỹ. Tóm lại mình nghĩ lý do thứ 2 bạn đưa ra chỉ là rất nhỏ thôi. Lý do chính là khả năng nắm bắt, hiểu biết thị trường + sự nhanh nhạy trong kinh doanh của CEO Nhật không còn đủ sắc bén để theo kịp các CEO của Mỹ và HQ,bây giờ.

  46. TQT
    March 13, 2013 at 12:42 am

    Blog của bác toàn bài viết quá hay và thú vị. Sẽ còn lang thang trên này nhiều

  47. Lê Kiên
    March 17, 2013 at 10:11 pm

    Like mạnh.

  48. March 18, 2013 at 11:09 am

    Em vẫn chưa thể hiểu nhiều về kinh tế, về tỉ giá các loại, anh có tài liệu nào thì chia sẻ giúp em được không?

    • March 20, 2013 at 8:06 am

      Việc này không thể nói gói gọn trong vài câu được. Bạn sẽ phải tìm sách chuyên ngành để hiểu biết thêm, hoặc nếu bạn đang là sinh viên thì nên đăng ký 1 lớp về tiền tệ sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn.
      Xin lỗi, những tài liệu tôi có chỉ là tiếng Nhật, không phải tiếng Anh hay tiếng Việt nên cũng khó giúp bạn.

  49. March 20, 2013 at 12:32 am

    Loạt bài viết của anh phân tích rất sâu sắc, có cả nghiên cứu lẫn trải nghiệm thực tế nên giúp mọi người mở rộng tầm nhìn.
    Hy vọng thế hệ mới của Việt Nam sẽ học hỏi được lối tư duy này để đưa “Made in Vietnam” lên cao hơn trong suy nghĩ của thế giới.
    Cảm ơn anh rất nhiều.

  50. Pham Thuy
    March 30, 2013 at 9:44 am

    Sau khi doc bai viet cua anh em cos mot thac mac the nay. Ve phan nguyen nhan cac cong ty dien tu cua Nhat ban lam an thua lo hien nay. Em nghi co ca nguyen nhan la cuoc khung hoang no cong Chau au, va no co anh huong ntn thi em dang trong qua trinh tim hieu. Anh cho em y kien ve phan nay duoc khong a. Cam on anh. Doanh nghiep em dang tim hieu la Sharp a.

  51. tuong
    May 19, 2013 at 11:20 pm

    Em cảm ơn vì những bài viết của anh, nó giúp em nhiều trong học tập.
    Em cũng thắc mắc rằng, sự thành công của Nhật là do chất lượng sản phẩm. Vậy thời kỳ này Nhật áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nào? thời kỳ áp dụng này xảy ra như thế nào?
    Theo em biết thì Nhật có được như vậy là nhờ phần lớn vào Deming và Juran.
    Anh có thể viết một bài phân tích về TQM và 7 công cụ quản lý chất lượng của Nhật bản được không ạ. em cảm ơn anh

    • June 9, 2013 at 1:04 am

      Đề tài này hơi bị khó, tôi cũng không dám nói mình có hiểu rõ để có thể viết về nó hay không. Nhưng sắp tới tôi sẽ viết 1 bài nói về “chất lượng” (quality) trong sản phẩm tiêu dùng của Nhật, có thể sẽ nói sơ qua về TQM phiên bản của Nhật.

  52. Eric Ng
    November 2, 2013 at 2:44 am

    hi Aikoku

    Những việc bạn phân tích trên là khá đúng (vấn đề tỷ giá Yên Nhật quá cao làm giảm sức cầu hàng Nhật, vấn đề Nhật từng dẫn đầu or at least là thứ 2 về công nghệ điện tử), nhưng hiện nay điều này không còn đúng nữa…Kinh tế Nhật thiếu hẵn sức sáng tạo…. các sản phẩm điện tự Nhật ngày nay đánh vào các phân khúc không còn “bén’ như ngày xưa… thử hỏi bạn 1 cái Sony Xperia Z1 dù cho giá bán cón 1/2 thì có bao nhiêu người chọn, chưa kể giá Z1 đã rẻ hơn so với Samsung Galaxy S4 và Note 3, nhưng người ta vẫn chọn hàng của Samsung, 1 số thì vẫn chọn iPhone…vì sao, vì bản thân cái Z1 không có gì hẫn dẫn nhiều như S04, Note 4….người Nhật quá kiêu ngạo và bảo thủ…dù cho cách họ làm từng là số 1, nhưng ngày nay, nó không chỉ không là số 2, mà còn đứng ở vị trí rất thấp…trong khi dân số ngày càng già., 1 thế hệ trẻ không lối thoát, không được trang bị kỹ năng và kiến thức đầy đủ, ngày càng nhiều cô gái trẻ đẹp tham gia vào ngành công nghiệp xxx và xem đó là bình thường..quỹ đầu tư ngày càng cạn kiệt, nợ chính phủ quá cao…uhm, 1 khó khăn chưa tìm ra lối thoát…

    Nhật đã bỏ lỡ bao cơ hội trong nền kinh tế tri thức….hạn chế nhập cư, ủng hộ các tập đoàn già nua, không mặn mà trước cải cách…

    Các chính sách của TT Abe tuy có tác động, nhưng vẫn chưa như mong muốn… đồng thời lại làm tăng nợ công…lấy gì trả lãi và trái phiếu khi đến kì hạn thanh toán đây?

    Có 1 số phân tích chứng minh rằng tình trạng nước Nhật ngày nay là sai lầm từ thời nước Nhật tăng trưởng cực thịnh…làm nên cái gọi là sự thần kỳ Nhật Bản và Châu Á…đó là Nhật đầu tư dàn trãi theo chiều rộng, không theo chiều sâu như Mỹ, Đức, Anh…

    Một tương lai không mấy tốt đẹp đang đón chờ nước Nhật… trong khi Nhật cần ngay hàng chục triệu lao động tinh hoa, sáng tạo, dám đương đầu với thử thách để phát triển và chiến thắng trong thời đại kinh tế mới này…và để đóng thêm thuế cho chính phủ, giàm nợ công….

    Thân ái

    Eric Ng

  53. Hoàng Bữu
    January 28, 2015 at 10:00 pm

    Cảm ơn anh vì những bài viết rất tâm quyết, những kiến thức thật bổ ích. Nhân đây cho em hỏi 1 vấn đề em đang thắc mắc đó là TV sony và Sharp đều ghi là Made in Malaysia. vậy có nghĩa là 70-80% linh kiện đề là của Malay vậy liệu chất lượng của nó có còn được như xưa nữa không anh. Và tại sao TV của Sony bán chạy như vậy nhưng TV sharp lại có câu Slogan “TV số 1 tại Nhật Bản”? Một chút thắc mắc mong anh giải đáp. Chúc anh sức khỏe.

    • Quang Khoa
      December 12, 2016 at 6:45 am

      Như tác giả đã có nói “LCD is Sharp” và Sharp cũng là hãng tiên phong trong lĩnh vực màn hình LCD nên cũng dễ hiểu vì sao công ty họ lại có Slogan đó…

  54. Anonymous
    February 1, 2015 at 4:41 am

    mình thích Nhật từ xưa do những đồ điện tử rất bền(giờ vẫn còn cái đài hơn cả tuổi mình ở nhà). Đến sau này thích thêm anime Nhật nữa. Cũng khá buồn khi Nhật sa sút. Và cũng rất ngưỡng mộ sự am hiểu của bác. Có thời gian mình sẽ đọc hết các bài bác viết.

  55. trang nguyen
    May 13, 2016 at 12:18 am

    Bài viết quá hay, nhiều thông tin, phân tích sâu sắc với sự am hiểu tường tận về nội dung. Một cây viết tài năng và có tâm

  1. April 11, 2012 at 1:29 am
  2. April 18, 2012 at 1:09 am
  3. March 9, 2013 at 10:17 am
  4. November 9, 2013 at 4:13 am
  5. November 1, 2016 at 10:29 am

Leave a comment